Nguy hại từ hạt chống ẩm với trẻ nhỏ

Trong bất cứ sản phẩm nào từ quần áo, bánh kẹo, túi xách chúng ta đều bắt gặp những gói chống ẩm… Thông thường, nếu các gói chống ẩm được làm từ silica gel thì sẽ là dạng hạt. Tuy nhiên, với những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chúng ta không thể biết được liệu gói chống ẩm có dạng silica gel hay không, hay có thể là vôi bột. Nếu vôi bột thì rất nguy hiểm, bên trong ẩn chứa nhiều mối đe dọa ngầm với người sử dụng.

Tháng 12/2012, bé trai 2 tuổi rưỡi Trần Tuấn Dũng ở TP Bắc Giang đã bị bỏng giác mạc vì nghịch gói hạt chống ẩm trong túi bánh gạo. Bé được đưa đến điều trị khoa Kết – Giác mạc (Bệnh viện Mắt Trung ương) và được xác định là phải phẫu thuật điều trị.

Mới đây, một trường hợp bé trai 8 tuổi tại Trung Quốc, do không biết nên đã nghịch túi chống ẩm với nước khiến chai nước nổ tung lên, gây bỏng mắt dẫn tới nguy cơ bị mù vĩnh viễn. Trên thực tế cũng đã từng xảy ra những trường hợp tượng tự, do trẻ nhỏ còn thiếu hiểu biết, chơi đùa với gói chống ẩm mà dẫn tới những tai nạn đáng tiếc.

Bé trai 8 tuổi ở Trung Quốc đã bị tổn thương nặng ở mắt do nghịch hạt chống ẩm

Trường hợp trẻ ăn hoặc vô tình nuốt phải hạt chống ẩm

Tùy theo công ty sản xuất hoặc yêu cầu của khách hàng mà hạt chống ẩm có thể được làm từ những nguyên liệu chính khác nhau. Trường hợp trẻ nhai hoặc nuốt phải hạt chống ẩm là silica gel sẽ nguy hiểm cũng như ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe ít hơn so với các loại chống ẩm từ vôi bột.

Trong trường hợp trẻ nuốt phải hạt chống ẩm từ silica gel, cha mẹ cần bình tĩnh xử lý. Bản chất hạt silica gel trơ về mặt hóa học nên sẽ không có phản ứng với cơ thể. Tuy nhiên, do các hạt chống ẩm có đặc tính hút nước, làm khan, nên khi lỡ nuốt phải, bạn nên cho trẻ uống thêm thật nhiều nước lọc. Khi các hạt silica gel được ngậm đầy nước sẽ không tương tác với niêm mạc cơ thể và được bài tiết qua đường tiêu hóa.

Nhưng với trường hợp trẻ nhai hoặc nuốt phải hạt chống ẩm làm từ vôi bột thì có thể bị bỏng khoang miệng, loét họng tùy theo mức độ hóa chất mà trẻ tiếp xúc. Vì vậy, trong trường hợp này, cha mẹ cần cho trẻ súc miệng thật nhiều với nước sạch hoặc uống nhiều nước nhằm làm giảm nồng độ kiềm do phản ứng vôi bột gây ra. Đồng thời đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Hít phải bột trong các gói chống ẩm

Bên cạnh loại túi chống ẩm dạng hạt thì trên thực tế vẫn có loại túi chống ẩm dạng bột màu trắng, mịn được sử dụng. Các loại sản phẩm này sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều dạng hạt, đặc biệt nếu bao bì bên ngoài chất lượng kém, dễ xé hoặc rách khiến bột ở bên trong tung ra ngoài. Khi hít phải loại bột này, trẻ có thể bị bỏng hô hấp. Hơn nữa, bỏng do kiềm nguy hiểm hơn nhiều so với bỏng do axít vì dễ bỏng sâu và lan rộng.

Hạt chống ẩm vô cùng nguy hại với trẻ nhỏ (Ảnh minh họa: Internet)

Trường hợp trẻ vô tình hít phải loại bột chống ẩm này sẽ gây ra tình trạng bỏng, rát mũi, khó thở. Cha mẹ cần nhanh chóng lấy nước nhỏ mũi để rửa mũi cho trẻ. Và đồng thời cũng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám kỹ hơn, từ đó đảm bảo điều trị an toàn cho trẻ.

Hạt chống ẩm bắn vào mắt

Tai nạn hay xảy ra nhất là các hạt chống ẩm bắn vào mắt khi trẻ đùa nghịch. Tùy từng loại hạt chống ẩm mà mức độ nguy hiểm sẽ khác nhau. Nhưng dù là hạt chống ẩm dạng nào thì cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến đôi mắt của trẻ. Đặc biệt, với loại chống ẩm từ vôi bột thì sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khiến giác mạc bị bỏng, sưng phù, thậm chí trẻ có thể mù vĩnh viễn.

Vì vậy, nếu không may rơi vào trường hợp này, cần hướng dẫn trẻ bình tĩnh chớp mắt, nhỏ nước muối, thậm chí chỉ là nước lã từ từ để hạt chống ẩm no nước và bong ra, tuyệt đối không được dụi mắt hay lôi vội ra sẽ dễ làm rách giác mạc mắt. Với loại túi chống ẩm là bột mịn, cha mẹ cũng sơ cứu tương tự cho trẻ trong suốt quá trình đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ chuyên môn cấp cứu kịp thời, tránh hậu quả khiến mắt trẻ khó hồi phục.

Cha mẹ cần hết sức lưu ý, tránh để trẻ tiếp xúc với túi, hạt chống ẩm

Để bảo vệ trẻ nhỏ, tại mỗi gia đình, cha mẹ nên phân tích cho con nhận biết về hình thức bên ngoài cũng như tác hại của gói chống ẩm để các bé biết cách phân biệt, không nghịch, nuốt hay xé gói chống ẩm có trong các gói bánh, kẹo hoặc thực phẩm nói chung.

Đối với các trẻ nhỏ hơn, chúng ta cần kiểm tra kỹ các gói thực phẩm mua về, cẩn thận vứt bỏ các gói chống ẩm trước khi đưa cho trẻ gói bánh hoặc kẹo. Tuyệt đối không cho trẻ chơi hoặc tiếp xúc với chúng.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng cần quan tâm hơn nữa trong việc cảnh báo tác hại của gói chống ẩm trong các sản phẩm đồ ăn dành cho trẻ nhỏ.

Vân Doãn